* Khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, con gái quan Lạc tướng Mê Linh (miền Sơn Tây cũ và tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mẹ là bà Man Thiện, người làng Nam Nguyễn - Ba Vì - Sơn Tây - Hà Nội. Chồng mất sớm, bà Man Thiện một mình nuôi dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị; bà dạy cho con nghề trồng dâu, nuôi tằm; dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khỏe và võ nghệ.
Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn được nhân dân Mê Linh tin phục. Từ lâu, hai chị em bà vẫn căm thù cuộc sống bạo ngược của viên thái thú nhà Đông Hán là Tô Định. Chính sách bạo ngược này thực ra là chính sách áp bức, bóc lột của nhà Đông Hán với toàn bộ người Âu Lạc, từ lạc tướng cho đến nô lệ.
Cuộc hôn nhân giữa Trưng Trắc và Thi Sách làm cho thế lực của bà - thế lực đối lập với chính quyền do Tô Định là đại biểu - lại càng lớn mạnh. Để tước bớt thế lực của gia đình Trưng Trắc đã lan ra khắp miền đất Vĩnh Phúc, Tô Định đã tìm cách giết chết Thi Sách. Hành vi bạo ngược của Tô Định không làm cho Trưng Trắc sờn lòng, mà trái lại càng làm cho bà thêm quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ, áp bức của nhà Đông Hán, khôi phục độc lập, "đền nợ nước, trả thù nhà". Bà Trưng đã đặt nợ nước lên trên thù chồng. Trên dàn thề trước ba quân, bà nêu rõ 4 mục tiêu của cuộc khởi nghĩa:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này
Tháng 2 năm Canh Tý (tháng 3 năm 40), Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát (thuộc địa phận huyện Phúc Thọ - Hà Nội). Những người yêu nước khắp nơi rầm rập kéo về tụ nghĩa ở Mê Linh. Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến về xuôi, tiến đánh Luy Lâu (Thuận Thành - Bắc Ninh) - thủ phủ của chính quyền nhà Đông Hán ở Giao Chỉ. Chế độ áp bức của nhà Hán bị quật đổ, Luy Lâu được giải phóng.
Được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu, chính quyền và quân đội nhà Đông Hán tan vỡ đến đấy. Các dân tộc Mán, Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông) đều hưởng ứng. Bọn Tô Định, Thứ sử, Thái thú của nhà Đông Hán thấy nghĩa quân nổi lên như vũ bão, đều hoảng sợ và theo nhau bỏ chạy về Trung Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào nổi dậy rộng lớn của quần chúng ở khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã giải phóng được 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập. Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Vương), đóng đô ở Mê Linh:
Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, ý chí quật cường của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để ghi nhớ công tích và báo đáp ơn đức của Hai Bà, biết bao những công trình tưởng niệm của Nhân dân dành cho Hai Bà và các nữ tướng, nam thần của phong trào Hai Bà Trưng. Thống kê của ngành Bảo tồn cho thấy có đến hơn bốn trăm nơi thờ cúng các vị tướng của Hai Bà và cả nước hiện có 3 nơi được coi là đền thờ chính Hai Bà Trưng đều ở Hà Nội. Đó là đền Hạ Lôi ở huyện Mê Linh (hội rằm từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) là quê hương Hai Bà, đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ (ngày 8/3 âm lịch) là nơi Hai Bà tuẫn tiết, đền Đồng Nhân ở quận Hai Bà Trưng (ngày 6/2 âm lịch) là nơi Nhân dân rước tượng Hai Bà từ sông Cái lên bờ.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là trang sử vẻ vang của dân tộc ta, mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân ta. Chúng ta thành kính tưởng nhớ công ơn của Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh, nghĩa quân đã đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc.
* Ngày 08/3/1910 được chọn là Ngày Quốc tế Phụ nữ
Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng.
Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có nền kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ quốc tế". Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày "Quốc tế phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:
- Ngày làm 8 giờ.
- Việc làm ngang nhau.
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
* Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cũng tương tự như ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, là ngày tôn vinh và thể hiện sự yêu thương và trân trọng phái đẹp. Bởi trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phụ nữ luôn là một phần không thể thiếu và mang đến những cống hiến to lớn cho xã hội.
Ngày 8/3 còn là ngày kỉ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, phụ nữ cũng góp phần không nhỏ vào chiến thắng của toàn bộ dân tộc. Từ những nữ dân quân tự vệ, những cô gái mở đường tự nguyện tham gia cách mạng, các bà, các mẹ, các chị gia tăng sản xuất phục vụ kháng chiến. Đến những bà mẹ Việt Nam anh hùng coi bộ đội như con, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí là hy sinh cả tính mạng để quân ta có cơ hội chiến thắng.
Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ và Bác đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang" và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương "Thành đồng" hạng nhất. Ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ Việt Nam đã có quyết định phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Việt Nam.
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại. Họ vừa là người nội trợ trong gia đình, hy sinh và "giữ lửa" cho tổ ấm. Họ cũng vừa tham gia lao động và đóng góp cống hiến sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, từ nữ doanh nhân thành đạt đến các nữ nghệ sĩ, người truyền cảm hứng,… Không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Dưới sự đấu tranh không ngừng cho bình đẳng giới mà biểu tượng là ngày 8/3, phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp và cần được tôn trọng./.